Đối với nhà đầu tư có nguồn tài chính hạn chế, phương án đầu tư sử dụng “đòn bẩy” vốn từ vay tiền là lựa chọn và giải pháp thông minh của nhiều DN. Vậy sử dụng chi phí đi vay như thế nào để tối ưu hóa chi phí thuế một cách hợp pháp và làm gia tăng tài sản cho cổ đông và các chủ nợ. Đây chính là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm đã gửi đến tổ tư vấn của chúng tôi liên quan đến chủ đề ngày hôm nay. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nhé!
Chuyên đề Nghĩa vụ thuế liên quan CHI PHÍ LÃI VAY TRONG DOANH NGHIỆP
PHẦN 1: ĐIỀU KIỆN ĐỂ CHI PHÍ LÃI VAY ĐƯỢC GHI NHẬN LÀ CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ KHI XÁC ĐỊNH THUẾ TNDN
Chương trình kỳ này vinh dự có sự góp mặt của Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tuyền – Phó trưởng phòng Thanh tra, Kiểm tra số 4, Cục thuế TP.HCM
? Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vì các thành viên vẫn chưa góp vốn đủ nên công ty chúng tôi dự kiến vay tiền cá nhân hoặc ngân hàng để xoay vòng vốn cho các công trình, vậy chi phí lãi vay này được tính vào chi phí được trừ hay không ? Chúng tôi cần lưu ý điều gì khi thực hiện không? (bạn Huyền ở Quận 3)
Trả lời
Căn cứ pháp luật thuế hiện hành, về nguyên tắc chung thì chi phí lãi vay được tính vào chi phí được trừ nếu hội đủ các điều kiện sau đây:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động SX, KD của DN.
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt
* Riêng chi trả lãi tiền vay được tính vào chi phí được trừ, ngoài các điều kiện nêu trên nếu thuộc trường hợp sau đây thì KHÔNG được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN:
(1) Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của DN.
(2) Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư (vốn hóa chi phí lãi vay theo VAS 16).
(3) Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
(4) Đối với DN có giao dịch liên kết thì Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay – Net) phát sinh trong kỳ vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (EBITDA) theo quy định tại NĐ 68/2020/NĐ-CP ngày ngày 24/6/ 2020
? Trong thực tế, Như Anh thường thấy các doanh nghiệp vay tiền từ các tổ chức tín dụng như ngân hàng chẳng hạn thì DN cần lưu ý những gì để chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN thưa anh? (MC)
Trả lời
Trường hợp vay tiền của tổ chức tín dụng cần phải đảm bảo thêm các điều kiện sau đây:
- Có hợp đồng/khế ước vay tiền theo quy định của pháp luật.
- Đáp ứng điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định.
Có hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật: trường hợp tổ chức tín dụng sử dụng chứng từ thu lãi tiền vay được in ra từ hệ thống và trên chứng từ thể hiện được thông tin giao dịch và đảm bảo tính duy nhất trên toàn hệ thống thì tổ chức tín dụng được sử dụng chứng từ này để hạch toán, trả cho khách hàng
? Trong trường hợp DN không thỏa mãn điều kiện vay ở các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp có thể vay tiền từ các doanh nghiệp khác, vậy thì DN đi vay cần lưu ý những gì để chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN thưa anh? (MC)
Trả lời
Đối với trường hợp vay của tiền doanh nghiệp cần phải đảm bảo thêm các điều kiện sau đây:
– Có hợp đồng vay tiền theo quy định của pháp luật.
– Bên cho vay phải xuất hóa đơn đối với khoản tiền lãi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 TT 39/2014/TT-BTC và điểm b khoản 1 Điều 4 TT 96/2015/TT-BTC
– Đáp ứng điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với cả khoản tiền vay và tiền lãi theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 NĐ 222/2013/NĐ-CP và điểm khoản 1 Điều 4 TT 96/2015/TT-BTC
? Và không thiếu trường hợp doanh nghiệp vay tiền từ cá nhân, vậy lúc này vậy thì DN đi vay cần lưu ý những gì ? (MC)
Trả lời
Trường hợp vay tiền của cá nhân cần phải đảm bảo thêm các điều kiện sau đây:
- Có hợp đồng vay tiền theo quy định của pháp luật.
- Có chứng từ thanh toán lãi vay hợp pháp.
- Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
Bên thanh toán tiền lãi vay (DN) phải khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân và khai, nộp vào NSNN theo quy định tại TT 111/2013/TT-BTC
? Ngày nay việc giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài xảy ra khá dễ dàng và thuận lợi, do vậy trong quá trình hoạt động kinh doanh có khá nhiều trường hợp DN vay tiền từ tổ chức, cá nhân nước ngoài, vậy anh chia sẻ thêm đối với trường hợp này chi phí lãi vay cần đáp ứng điều kiện gì ? (MC)
Trả lời
Trường hợp vay tiền của tổ chức, cá nhân nước ngoài cần phải đảm bảo thêm các điều kiện sau đây:
- Có hợp đồng vay tiền theo quy định của pháp luật.
- Đáp ứng ĐK thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định.
- Có hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật: invoice.
- Đăng ký khoản vay trung, dài hạn theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 03/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Khấu trừ, kê khai nộp thuế nhà thầu nước ngoài, theo quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-NHNN của Bộ Tài chính
Cảm ơn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tuyền về những chia sẻ khá chi tiết làm sao để chi phí lãi vay của DN được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN của từng trường hợp cụ thể. Hy vọng thông tin sẽ hữu ích với quý vị và các bạn
—————–
TAXTALK – Một dự án của VTAX Hãy cho chúng tôi biết những chủ đề mà bạn quan tâm hay cần giải đáp nhé!
* Tổng đài hỗ trợ: 1900 6910 – Ext 101
* Email tiếp nhận hỗ trợ: support@vtaxcorp.com