Hướng dẫn DN được hưởng chính sách “Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động”

22/12/2021

Trước những  ảnh  hưởng  của  đại  dịch  COVID-19,  nhằm  hỗ  trợ  cho người lao động, người sử dụng lao động khắc phục những khó khăn, tiếp tục thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ngày 01  tháng 7 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; ngày 07 tháng 07 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Quyết định 23/2021/QĐ-TTg cụ thể hóa 12 chính sách đã nêu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong đó có chính sách “Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động” được quy định tại Chương III với 4 điều, từ Điều 9 đến Điều 12.

Để giúp Doanh nghiệp nắm rõ hơn về chính sách hỗ trợ này, VTAX đã tổng hợp các thông tin chính như sau:

1.   Đối tượng hỗ trợ

Đối tượng hỗ trợ là NSDLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

2.   Điều kiện hỗ trợ

NSDLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ nêu trên (mục 2, Phần này) được hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  1. Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
  2. Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động, bao gồm các thay đổi cụ thể như sau:
  • Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động: Là việc NSDLĐ thành lập mới; hợp nhất, sáp nhập, giải thể một hoặc nhiều bộ phận của tổ chức, tái cấu trúc các bộ phận trong tổ chức, sắp xếp lại lao động nhằm tăng hiệu quả dẫn đến làm thay đổi cơ cấu quản lý hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp làm thay đổi mô hình doanh nghiệp dẫn đến việc tăng hoặc giảm số lượng lao động đòi hỏi số lao động tăng hoặc giảm phải được đào tạo, bồi dưỡng. Ví dụ: Tập đoàn A thực hiện việc sáp nhật Phòng/Bộ phận/Tổ đội sản xuất A vào Phòng/Bộ phận/Tổ đội sản xuất B; giải thể Phòng/Bộ phận/Tổ đội sản xuất C.v.v….hoặc trường hợp người lao động đang làm việc ở vị trí A, nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc, phải sắp xếp để chuyển sang làm việc tại vị trí B.v.v… số lao động dôi dư, hoặc chuyển đổi vị trí làm việc do cơ cấu lại tổ chức, tổ chức lại lại lao động sẽ được đào tạo bồi dưỡng để chuyển đổi công việc.
  • Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ: Là việc sử dụng các quy trình, công nghệ mới, máy móc, thiết bị mới vào thay thế quy trình, công nghệ cũ, máy móc thiết bị cũ người lao động đang sử dụng (tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị). Do sử dụng quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị mới thì việc người lao động có thể trở thành dư thừa hoặc không có kỹ năng phù hợp để làm việc với công nghệ, máy móc, thiết bị mới. Ví dụ 1: Công ty Dệt may A, trước đây sử dụng công nghệ dệt thoi, nay phải chuyển sang công nghệ dệt kim do vậy phải đầu tư công nghệ, thiết bị dệt kim; Ví dụ 2: Công ty Da giày H đầu tư các máy scan và in 3D phục vụ làm khuôn để thay thế cho làm thủ công trước đây; máy may lập trình, máy thêu vi tính, máy cắt laser… nhằm tự động hóa các công đoạn sản xuất để thay thế cho lao động thủ công. Việc thay đổi công nghệ, máy móc, thiết bị còn có thể bị ảnh hưởng do thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm.
  • Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm (chuyển đổi mặt hàng, sản phẩm hoàn chỉnh, bán thành phẩm…). Việc thay đổi công nghệ, máy móc thiết bị cũng có thể làm cho sản phẩm, cơ cấu sản phẩm thay đổi hoặc doanh nghiệp chủ động thay đổi ngành sản xuất, kinh doanh hoặc mặt hàng sản xuất kinh doanh hoặc nâng cấp ngành mặt hàng hoặc hoàn chỉnh hàng hóa, chuyển từ nhập khẩu sang tự sản xuất mặt hàng; bán thành phẩm. Ví dụ 1: Công ty may B trước đây chuyên sản xuất sản phẩm veston nay chuyển sang may quần áo sơ mi. Ví dụ 2: Công ty sản xuất thương mại C trước đây chuyên về sản xuất và kinh doanh cơ khí nay chuyển sang sản xuất, kinh doanh nhựa tổng hợp.v.v…. trong đó người lao động không có khả năng làm việc hoặc trình độ chuyên môn của họ không đáp ứng được yêu cầu công việc mới.

3. Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020. VD. Nếu NSDLĐ nộp hồ sơ tại thời điểm tháng 7/2021 thì báo cáo doanh thu giảm của quý II năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm

4. Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

5. Nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022

dieu kien ho tro

3.   Mức hỗ trợ

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học.

Trường hợp khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính  là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ.

Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại khoản này thì phần vượt quá mức hỗ trợ do NSDLĐ tự chi trả.

Ví dụ: Lớp bồi dưỡng công nghệ sơn ô tô tại Công ty ô tô A. Do thay đổi công nghệ, thiết bị mới dẫn đến chi phí đào tạo thực tế cao hơn mức tối đa được hỗ trợ theo quy định và mức là 1.700.000 đồng/người/tháng. NSDLĐ phải chi trả thêm 200.000đồng/tháng.

4.   Thời gian hỗ trợ

Tối đa 06 tháng cho tất cả các nghề đào tạo, bồi dưỡng

5.   Phương thức chi trả hỗ trợ

Theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 1988/BHXH- TST ngày 8/7/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc chi trả hỗ trợ trực tiếp cho NSDLĐ theo phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề đã được phê duyệt bằng hình thức chuyển khoản từ cơ quan bảo hiểm xã hội cho NSDLĐ (không chi bằng tiền mặt).

6.   Thanh, quyết toán kinh phí

  • Sau khi kết thúc khóa học, cơ sở GDNN gửi hồ sơ đề nghị quyết toán kinh phí cho NSDLĐ gồm: Quyết định mở lớp, bảng theo dõi quá trình học, quyết định tốt nghiệp, bản phô tô chứng chỉ (chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề);
  • Trong 45 ngày kể từ ngày kết thúc việc đào tạo, NSDLĐ phải hoàn thành việc thanh quyết toán kinh phí với cơ sở thực hiện đào tạo theo thực tế cho cơ sở GDNN;
  • Kinh phí được quyết toán trên cơ sở số lượng học viên hoàn thành khóa học. Trường học viên nghỉ học trong quá trình học thì cơ sở GDNN được thanh toán đến thời điểm học viên nghỉ học.
  • Hồ sơ gốc lưu lại cơ sở GDNN, bản sao lưu lại đơn vị NSDLĐ.

7.   Quy trình chung

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được thực hiện theo quy trình chung bao gồm các 5 bước chính như sau:

quy trinh thuc hien chung

8.   Thời hạn giải quyết thủ tục

  • Xác nhận đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp của NSDLĐ: Tối đa 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của NSDLĐ;
  • Phê duyệt quyết định hỗ trợ theo đề nghị của NSDLĐ: Tối đa 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của NSDLĐ theo quy định.

9.   Cách thức nộp hồ sơ

NSDLĐ nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo một trong các hình thức sau:

Cach nop ho so

THÔNG TIN LIÊN HỆ, HỖ TRỢ

Quý doanh nghiệp có nhu cầu cần giải đáp, tư vấn hỗ trợ thực hiện hồ sơ để hưởng chính sách thiết thực này, vui lòng liên hệ Tổng đài 19006910 hoặc gửi email về địa chỉ support@vtaxcorp.com. Chuyên viên VTAX sẵn sàng giải đáp thắc mắc và hỗ trợ Quý khách thực hiện.

Chia sẻ

Các tin liên quan

VTAX hợp tác cùng UEF
VTAX KÝ MOU CHÍNH THỨC HỢP TÁC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TÀI CHÍNH (UEF)
26/10/2024
Sáng ngày 25/10/2024, Đại diện VTAX đã tham dự buổi lễ ký kết MOU với Trường Đại học Kinh Tế Tài Chính (UEF). Đây là cột mốc đánh dấu sự hợp tác...
Hội Tư vấn Thuế Việt Nam: Đại hội nhiệm kỳ IV và kỷ niệm 15 năm thành lập
24/04/2023
TCDN – Trong 5 năm qua, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về tổ chức bộ máy, số lượng hội viên cũng như chất lượng hoạt động....
[GẤP] Bắt Buộc Cập Nhật Căn Cước Công Dân Gắn Chip Cho Người Đại Diện Pháp Luật Trước 31/03/2023
11/03/2023
Sau thời gian dài yêu cầu công dân đăng ký thay đổi giấy tờ tùy thân sang căn cước công dân có gắn chip, các cơ quan hành chính đã bắt đầu...
Liên hệ ngay

Hãy liên hệ với chúng tôi khi bạn cần